Một nhóm chuyên gia đã chế tạo tấm diode phát sáng vô cơ (LED) siêu mỏng, dẻo, có thể cấy dưới da nhằm theo dõi, kích hoạt các loại thuốc nhạy sáng và nhiều ứng dụng khác.
Theo nhóm nghiên cứu do chuyên gia John Rogers thuộc Đại học Illinois
(Mỹ) chủ trì, đó là những dãy đèn LED linh hoạt có kích thước 100 x 100 mm2,
dày 2,5 mm, nhỏ hơn rất nhiều so với bất kỳ loại đèn LED nào hiện nay trên
thị trường. Các chuyên gia đã in trực tiếp các mạch lên một bề mặt thủy
tinh cứng, sau đó chuyển chúng sang một hợp chất polymer rẻ tiền có tên
gọi là polydimethylsiloxane (PDMS) nhằm tạo ra dãy đèn LED và bộ tách sóng
quang dạng lưới.
Chất nền PDMS đủ dẻo để mạch điện hoạt động dễ dàng và liên tục ngay cả
bị xoắn hoặc căng kéo đến 75%. Các nhà khoa học cho biết hầu hết nghiên
cứu tập trung vào loại đèn LED hữu cơ (OLEDs) siêu nhạy với nước và
ô-xy, nhưng các dãy mềm dẻo mà họ tạo ra được bao bọc bằng một lớp cao
su silicon mỏng, khiến chúng không thấm nước, nhờ đó có thể hoạt động
tốt khi cấy ghép hoặc ngâm trong dịch sinh học. Thiết kế cũng giúp loại
trừ những hạn chế cơ học thường thấy ở các thiết bị kiểu này nhờ sự hỗ
trợ của các tấm bán dẫn mỏng, cứng.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công loại đèn LED nói trên bằng
cách tích hợp một tấm vào ngón tay của một chiếc găng tay làm bằng nhựa
vinyl trước khi nhúng nó vào nước xà phòng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu
cũng cấy một dãy đèn LED vào dưới da một mô hình động vật.
Những ứng dụng hóa sinh tiềm năng của loại đèn LED này gồm những miếng
băng y tế có thể cấy ghép được nhằm theo dõi quá trình làm lành vết
thương, hoặc làm nhiệm vụ kiểm soát việc cung cấp các loại thuốc nhạy
sáng trong liệu pháp quang động học. Ngoài ra, chúng cũng có thể được sử
dụng như một loại chỉ y tế phát sáng hoặc các tinh thể nguyên sinh phát
sáng có thể cấy ghép được và một số ứng dụng khác trong ngành nghiên
cứu và chế tạo robot. Chuyên gia Rogers đã thành lập một công ty ở
Cambridge, bang Massachusetts, để thương mại hóa công nghệ nói trên.
Theo Physorg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét